Tiêu điểm
Chi tiết
Công trình tiền tỷ hoang phí
Một số dự án sử dụng ngân sách nhà nước, vì lý do này hay lý do khác thi công dở dang rồi ngưng, hoặc thi công xong không đưa vào sử dụng, đang gây lãng phí tiền bạc, tài nguyên rất lớn.

 10 năm không xong 1 chung cư

Năm 2002 UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12). Khi hoàn thành, dự án này sẽ bố trí 761 nền đất và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và hộ dân bị giải tỏa.

Dự án dự kiến hoàn thành một phần vào năm 2006. Dự án ban đầu do Công ty Dịch vụ giao thông (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM) làm chủ đầu tư, nhưng hơn 10 năm qua dự án vẫn là bãi đất trống cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục thi công dở dang rồi ngưng gây lãng phí rất lớn.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TPHCM đã đồng ý cho tách 5,9ha để đầu tư thực hiện trước 1 dự án, sau đó mới đầu tư tiếp trên diện tích còn lại. Dù điều chỉnh như vậy nhưng đến nay, mặt bằng 5,9ha thuộc dự án tách ra chỉ mới xong 4 hạng mục. Nhiều hạng mục khác còn dang dở hoặc chưa thi công.

Điển hình của việc lãng phí này là chung cư 12 tầng phục vụ tái định cư cho người dân địa phương. Dự án chung cư này có quy mô 3 block với gần 300 căn hộ mới thi công phần móng, sàn tầng hầm rồi ngưng từ năm 2008 cho đến nay, cả trăm trụ bê tông sắt chờ nhô lên đã bị gỉ sét, tầng hầm chứa đầy nước chẳng khác gì hồ nuôi cá, thậm chí một số người dân xung quanh còn vào bên trong công trình che chòi ở tạm.

Một người dân tại đây bức xúc phản ánh trong khi dân bị giải tỏa di dời không có nhà ở, dự án tái định cư bỏ mục nát rất lãng phí. Trao đổi với ĐTTC, một cán bộ UBND quận 12 cho biết do dự án có điều chỉnh dự toán nên phải tạm ngưng, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong.

5 năm cảng chờ đường vào

Cảng Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé trực thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) làm chủ đầu tư cũng là một điển hình về sự lãng phí tiền của Nhà nước. Công trình khởi công từ năm 2007 trên tổng diện tích 24ha, có nhiệm vụ thay thế khi di dời cảng Bến Nghé, tiếp nhận tàu có tổng trọng tải 36.000DWT, với 320m cầu cảng và 2 cầu dẫn, mỗi cầu dẫn dài 32m, rộng 15m.

Theo thiết kế, tổng mức đầu tư cảng Phú Hữu (giai đoạn 1) là 327 tỷ đồng, trong đó ngân sách TPHCM cho mượn 100 tỷ đồng, vay ưu đãi theo chương trình kích cầu 140 tỷ đồng. Cảng Phú Hữu được Cục Hàng hải Việt Nam công bố là cảng biển quốc tế và đưa vào khai thác từ cuối tháng 7-2010.

Tuy nhiên, đến nay, dự án này hầu như vẫn đắp chiếu vì đường nối vào cảng chưa thông. Một người dân ở đây cho biết cổng ra vào cảng luôn khóa, khuôn viên, nhà kho, kể cả chốt bảo vệ vắng bặt không có bóng người, 3 chiếc cần cẩu 40 tấn nằm im lìm, hoen gỉ.

Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hiện là đường liên quận chỉ có 2 làn xe, nhiều đoạn thắt cổ chai, không đảm bảo cho các xe tải nặng ra vào cảng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc CTCP Cảng Phú Hữu, cho biết sự không đồng bộ về hạ tầng khiến doanh thu của công ty năm 2012 chỉ đạt gần 3 tỷ đồng. Hiện nay hàng tháng cảng chỉ đón vài chuyến tàu vào giao và tiếp nhận hàng trung chuyển.

Trước kỳ họp HĐND TP vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách đã có buổi giám sát dự án này. Trước thực trạng lãng phí của dự án, Ban Kinh tế - Ngân sách đã đề nghị UBND TPHCM cho mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m, đồng thời đầu tư đường nối từ Nguyễn Duy Trinh đến Vành đai 2 để khơi thông đường vào cảng Phú Hữu. Đề xuất này đã được UBND TPHCM chấp thuận.

Tuy nhiên theo ghi nhận của ĐTTC, để đầu tư hoàn thiện tuyến đường này như kế hoạch không chỉ một sớm một chiều, bởi còn phụ thuộc vào công tác đền bù giải tỏa. Đoạn đường này cư dân sinh sống khá đông đúc nên việc giải tỏa không hề đơn giản. Và khi đường chưa thông lãng phí vẫn còn dài dài.

Theo Đỗ Trà Giang (Sài gòn Đầu tư)
Số lượt đọc:2746  - Cập nhật lần cuối: 02/08/2013 09:19:36
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: