Chậm xử lý nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp vì quy trình rất phức tạp
Ngày 29-7, thông tin tới Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội), ông Phan Văn Bảo, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kể từ khi TP lập “danh sách đen” gồm 527 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị và 261 vụ lấn chiếm đất đai (tháng 6-2012), tới nay, thành phố đã tổ chức 4 đợt xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng. Hiện nay, chỉ còn 3 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phải tiếp tục giải quyết. Cụ thể, gồm các công trình tại phường Phương Mai (Đống Đa), phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) và phường Yết Kiêu (quận Hà Đông).
Trong khi việc xử lý nhà không phép, sai phép có kết quả tích cực thì tiến độ giải quyết các vụ vi phạm đất đai lại rất ì ạch. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mới có 3 quận, huyện (Thanh Xuân, Sóc Sơn, Đan Phượng) báo cáo kết quả triển khai thực hiện, 9 đơn vị còn lại chưa có báo cáo. Tổng hợp chưa đầy đủ của Sở TN-MT cho thấy, phần lớn các vụ việc này thuộc thẩm quyền các quận, huyện. Đến nay, còn tồn đọng tới 243 trường hợp của 9 quận, huyện (trong đó, riêng huyện Quốc Oai có 106 trường hợp và huyện Hoài Đức 46 trường hợp).
Cũng lừng khừng không kém, tính đến 26-6-2013, qua 4 đợt triển khai, các quận, huyện mới xử lý được 203/394 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, chỉ đạt 52%. Hiện nay, TP còn 191 trường hợp tại 9 quận, huyện (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức).
Nghi ngờ tính chính xác của các con số nói trên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam nói: “Số liệu báo cáo của các quận, huyện với thực tế không khớp. Đơn cử, quận Hà Đông và Tây Hồ nói đã đưa ra khỏi danh sách nhiều trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng chúng tôi kiểm tra thực địa thấy vẫn... còn nguyên!”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Đức Học vội thanh minh: “Các quận nói “đưa ra khỏi danh sách” là không đúng. Công trình đó vẫn còn, chưa xử lý gì cả. Nhưng vì đất mỏng méo đó nằm trong diện phải thu hồi đất của một dự án khác nên chuyển sang thu hồi theo dự án đó...”.
Lý giải nguyên nhân khiến chưa thể xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng siêu méo, Sở Xây dựng cho biết, rất khó vận động người dân tự thỏa thuận hợp khối, hợp thửa. Ở quận Ba Đình, toàn bộ 69 trường hợp đang giải quyết đều nằm ngoài chỉ giới mở đường tồn tại từ trước ngày 15-3-2005 đến nay.
Các hộ dân đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định, hiện đang là nơi ở, kinh doanh. Nhiều hộ dân không đồng thuận với việc áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường GPMB. Nhiều quận, huyện tỏ ra lúng túng, liên tục đề nghị được hướng dẫn... Đại diện Sở TN-MT cho biết, Sở đã nhiều lần hướng dẫn nhưng các đơn vị vẫn chưa hết thắc mắc.
Giải trình thêm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Đức Học cho biết, 1 năm qua, các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng đã được xử lý rất khẩn trương. Số vụ việc mới có phát sinh nhưng ít hơn trước. Các vụ vi phạm trắng trợn, quy mô lớn đã giảm hẳn. Ông Trần Đức Học nói: “Dù vậy, cái giá chúng tôi phải trả cũng không nhẹ. TP mất tới 142 cán bộ thanh tra xây dựng (bị kỷ luật – PV), chiếm gần 10% tổng quân số. TP xử lý cán bộ nghiêm khắc như vậy nên tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã bớt đi. Các đối tượng vi phạm cũng chùn tay, không dám vi phạm tràn lan như trước...”.
Trả lời câu hỏi với số lượng các công trình mỏng méo còn nhiều như vậy, liệu các quận huyện có kịp hoàn thành xử lý đúng hạn TP giao (trong quý III-2013 - PV), ông Trần Đức Học nói: “Rất khó bởi nhiều quận, huyện muốn gia hạn tới hết năm nhưng TP không đồng ý. Trong quý III-2013, sẽ có quận huyện làm kịp song cũng có nơi không thể xong. Chỉ nói việc tìm nguồn vốn để chi GPMB các trường hợp mỏng méo đã rất khó. Riêng quận Ba Đình, theo tổng hợp của Sở KH-ĐT, kinh phí GPMB tạm tính cho 36 trường hợp thu hồi có thể gần 450 tỷ đồng, một con số rất lớn...”.
Ông Trần Đức Học chia sẻ khó khăn với các quận huyện: “Thu hồi không dễ chút nào. Dù chỉ thu 1 m2 đất cũng phải lập dự án đầy đủ các bước như với 1 công trình lớn nên rất mất thời gian. Không chỉ có vậy, quận, huyện còn phải đau đầu tính xem thu hồi xong để làm gì? Nhiều nơi chẳng thể làm gì cả nên tính đi tính lại vẫn còn rất bất cập...”.