Tiêu điểm
Chi tiết
Vàng miếng trong dân - Chìa khóa nâng giá VNĐ
NHNN mong muốn biến số vàng khổng lồ 300 - 400 tấn vàng trong dân chuyển thành tiền gửi VNĐ để tăng thêm sức mạnh cho đồng nội tệ.

 Mục tiêu của chiến dịch ổn định VNĐ đang bị "khóa" trong phòng ngủ của một cán bộ công chức đã nghỉ hưu Vũ Thị Hương. “Đây là sở thích của tôi từ nhiều năm nay: mua vàng bất cứ khi nào để dành được tiền”, người phụ nữ 57 tuổi nói. 


Bà Hương thường xuyên xem các thông tin tài chính hàng ngày để theo dõi giá vàng. “Với vàng, tôi có thể tiết kiệm tiền và sau đó là có thứ gì đó đáng giá để lại cho con cháu”.

 

Bà Hương là một trong số hàng triệu người Việt Nam đang nắm giữ khoảng 300 – 400 tấn vàng với mục đích cất trữ tài sản. Số vàng này có giá trị lên tới 19 tỷ USD (tính theo giá vàng trong nước) – tương đương với lượng vàng nắm giữ chính thức của nước Anh.

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mong muốn biến số vàng khổng lồ này thành tiền gửi VNĐ để tăng thêm sức mạnh cho đồng nội tệ. Trong 5 năm qua, VNĐ đã mất giá 21% so với USD.

 

Theo Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế đến từ HSBC, lượng vàng mà người dân đang nắm giữ phản ánh văn hóa giá trị của người Việt cũng như sự thiếu hụt lòng tin vào VNĐ. Lạm phát cao và tiền đồng mất giá trong quá khứ khiến người dân mong muốn chuyển tiền tiết kiệm sang vàng.

 

Còn theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nhu cầu về vàng khiến các nhà nhập khẩu cũng như nhóm buôn lậu vàng gom USD để mua vàng từ nước ngoài, tạo áp lực giảm giá lên VNĐ.

 

Cất trữ vàng

 

Để giảm nhập lậu và khuyến khích người dân bán vàng, NHNN giờ đây là đầu mối nhập khẩu duy nhất còn Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị gia công vàng cho NHNN. Kể từ ngày 30/6, các ngân hàng cũng bị cấm trả lãi suất cho vàng gửi, ngược lại, giờ đây các ngân hàng đánh phí giữ hộ vàng.

 

Alan Pham – chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital – nhận định chính sách vàng thực sự giúp ổn định VNĐ bởi nếu người dân giữ ít vàng hơn, họ sẽ không cố gắng chuyển VNĐ sang các dạng tài sản khác. Tuy nhiên, hiệu ứng phụ là chính sách này đang khiến lượng vốn tăng lên.

 

Tác động vào lượng vàng người dân đang nắm giữ không phải là biện pháp duy nhất mà NHNN đang theo đuổi để giúp VNĐ tăng giá và tăng lượng tiền gửi. NHNN đã thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu và đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức hợp lý có thể hỗ trợ nền kinh tế.

 

Theo Trinh Nguyễn, việc sử dụng vàng và USD quá nhiều đang làm tổn hại đến khả năng quản lý chính sách tiền tệ của NHNN. Việc nắm giữ vàng không tạo nên những khoản đầu tư hiệu quả.

 

Song song với động thái giảm giá VNĐ lần đầu tiên kể từ năm 2011 vào tháng trước, NHNN cũng hạ trần lãi suất đối với tiền gửi USD để hạn chế người dân giữ USD đồng thời tăng dự trữ ngoại hối.

 

Các nước khác với lượng vàng lớn trong dân chúng cũng đang cố gắng giảm bớt điều này. Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – đã tăng thuế nhập khẩu vàng. Đồng thời, Ấn Độ cũng kêu gọi bán vàng miếng và đồng xu vàng để giúp thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai hiện đang ở mức kỷ lục. Trong suốt thời kỳ Đại suy thoái năm 1933, Tổng thống Mỹ F.D. Roosevelt cũng đã cấm công dân Mỹ cất trữ vàng và buộc họ phải bán cho Cục dự trữ liên bang.

 

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, NHNN cho biết, NHNN có thể mua vàng để bơm tiền đồng làm nguồn vốn cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.

 

Chênh lệch kỷ lục

 

Theo một quan chức giấu tên đến từ NHNN, NHNN muốn khuyến phục người gửi tiền tiết kiệm rằng nắm giữ các tài sản dưới dạng khác sẽ sinh lời nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng niềm tin vào VNĐ.

 

Lập luận này trở nên đúng trong 9 tháng qua – khi giá vàng thế giới sụt giảm tới 27% và VNĐ chỉ giảm 1,8% so với đồng USD. Trước khi kim loại này bắt đầu giảm giá hồi tháng 10 năm ngoái, giá vàng đã tăng hơn gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ, trong khi VNĐ giảm 27%.

 

Theo một báo cáo được công bố trên website của NHNN, tính từ cuối năm 2012 đến cuối tháng 5, lượng vàng gửi tại các ngân hàng Việt Nam đã giảm 75%.

 

Hiện nay, chính sách hạn chế nhập khẩu của NHNN cùng với tâm lý ưa chuộng vàng khiến người Việt Nam phải trả mức chênh lệch lên tới 6 triệu đồng/lượng so với giá thế giới trong tháng 4, khi thị trường vàng bước vào “thị trường con gấu”.

 

Chênh lệch quá lớn khiến hoạt động buôn lậu phát triển mạnh. Trước năm 2012, khoảng 50 – 60 tấn vàng được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam mỗi năm để chế tác vàng, trong khi 50 – 70 tấn được nhập lậu.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội vàng thế giới được công bố hồi tháng 2, năm ngoái, Việt Nam mua khoảng 77 tấn (cả nhập lậu và hợp pháp), giảm 24% so với năm 2011. Theo Jonathan Pincus – chuyên gia kinh tế đến từ trường kinh doanh Kennedy thuộc đại học Harvard, sở thích cất trữ vàng đã ăn sâu vào người dân Việt Nam và sẽ phải mất một thời gian dài để thay đổi.

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg
Số lượt đọc:3756  - Cập nhật lần cuối: 16/07/2013 08:18:49
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: