Tiêu điểm
Chi tiết
Cơ hội “Vàng” cho Luật Đất đai: Trưng mua hay thu hồi đất?
Tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân. Dự thảo lần này đã có nhiều điểm sửa đổi nhưng vẫn còn những điểm gây khúc mắc.

 Điểm nghẽn từ thu hồi đất

Những vướng mắc lớn nhất vẫn thuộc về vấn đề thu hồi đất. Trước, trong và sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nên sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất”. vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng.

Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Ngoài ra, một số ý kiến khác kiến nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất”, vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ.

Về các ý kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật.

Còn Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 13) quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không thể “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế, nhất là các đại biểu (ĐB) Quốc hội vẫn tỏ ra không đồng tình với giải trình này. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định, đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 58 quy định: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”; còn theo Bộ luật Dân sự 2005 thì quyền tài sản là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp.

Vì vậy, khi Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất đó cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân trước đó. Ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất”- ĐB Vinh khẳng định.

Nên áp dụng cơ chế giá công bằng

Vấn đề bồi thường khi thu hồi đất cũng còn rất nhiều điều phải bàn, cụ thể nhiều ý kiến đề nghị đưa vào dự thảo luật các quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, bổ sung thêm quyền của người có đất khi Nhà nước thu hồi thuê tổ chức tư vấn độc lập để xác định mức bồi thường, hỗ trợ và khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thỏa mãn với phương án bồi thường, hỗ trợ được duyệt.

ĐB Trần Ngọc Vinh khẳng định vấn đề này chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng phức tạp trong thời gian vừa qua. Ông đề nghị lần sửa đổi Luật Đất đai này cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. “Ban soạn thảo nên nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng, đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Thứ hai là nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất. Cuối cùng là phải xây dựng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất và cơ chế tự thỏa thuận về giá đất bồi thường giữa doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi” - ông Vinh đề nghị.

Về nguyên tắc định giá đất được quy định trong dự thảo luật, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá: Gây bức xúc và bất cập lớn nhất thời gian qua là việc quyết định giá thường không khách quan, dễ bị lợi dụng sinh ra tiêu cực. Tôi đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác, giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư và nông thôn.

Có thể nói, vướng mắc, tranh cãi trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn nhiều vấn đề, nhưng ít nhất nếu giải quyết hài hoà 2 vấn đề nêu trên, tin chắc rằng cũng sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng của dự luật, cũng là góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất, cuộc sống phát triển.

Theo Hải Phong (Dân Việt)
Số lượt đọc:2646  - Cập nhật lần cuối: 09/07/2013 08:48:51
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: