Tiêu điểm
Chi tiết
Mâu thuẫn từ sự thiếu cương quyết
Tự ý đục tường, lao dầm bê tông, đổ ô văng đua ra khoảng không phía sau làm thay đổi công năng, kết cấu của khu nhà, đến khi vấp phải sự phản đối của hàng xóm thì sử dụng những “chiêu trò” như đổ phế thải, mắm tôm để “khủng bố”. Đó là những gì đang diễn ra tại tòa nhà số 47 tập thể Cảng Hà Nội ( phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng).

 

Phần lô gia kiên cố và ô văng bê tông rộng gần 5m2 
của chủ căn hộ 203 vi phạm trật tự xây dựng

 
Phản đối sai phạm, bị hứng mắm tôm

Tòa nhà số 47 tập thể Cảng Hà Nội vốn là một chung cư cũ hai tầng được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cách đây 5 năm, gia đình ông Phạm Văn Khoản đã mua lại căn hộ số 103 (tầng 1) của khu nhà này và sinh hoạt ổn định suốt từ thời gian đó đến nay. Việc gia đình ông bị “khủng bố” bắt đầu từ khi căn hộ phía trên do gia đình bà Trương Thị Hường ở phòng 203 tiến hành sửa chữa cải tạo. 

Trong đơn kêu cứu gửi tới báo An ninh Thủ đô, ông Khoản cho biết: “Việc gia đình bà Hường cải tạo, sửa chữa nội thất chúng tôi không phản đối, nhưng việc đục phá bức tường chịu lực và đổ ô văng dài hơn 1m rộng hơn 3m làm thay đổi toàn bộ kết cấu tòa nhà, ảnh hưởng tới gia đình chúng tôi là không thể chấp nhận được. Trước đó, bà Hường đã cải tạo 1 chuồng cọp từ lồng sắt thành bê tông tường gạch kiên cố nhô ra khoảng không phía sau, chúng tôi nể tình đã không có ý kiến gì, nhưng càng ngày họ càng lấn tới. Đó là chưa kể đến việc bà Hường còn ngang nhiên dựng mái tôn cao 2,6m trên trần thượng vốn là phần diện tích sử dụng chung của cả khu tập thể khi chưa có sự thống nhất của những hộ liên quan. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại ra UBND phường, mặc dù sau đó UBND phường cũng đã ra văn bản khẳng định đó là hành vi cơi nới, lấn chiếm, vi phạm trật tự xây dựng và yêu cầu phải phá dỡ, nhưng đến nay gia đình bà Hường vẫn phớt lờ”.

Điều đáng lên án là kể từ khi phản đối những sai phạm của hàng xóm, gia đình ông Khoản phải thường xuyên hứng chịu hàng loạt “chiêu trò” tấn công bằng chất bẩn. Những đường nước thải từ tầng 2 được cố tình lắp  đặt dở dang nhằm mục đích tuôn chất xú uế xuống phía dưới. Theo quan sát của phóng viên, ngoài một ô văng rộng khoảng 5m2 được xây mới khá kiên cố đua ra phía sau với mục đích cơi nới mở rộng diện tích, căn hộ 203 còn lắp tới 3 đường nước thải để chảy tự do xuống khoảng sân của căn hộ 103 gồm: đường nước từ chậu rửa bát, đường nước từ khu vệ sinh, đường nước từ trần thượng và máy điều hòa.

Ông Khoản cho biết: “Vợ chồng chúng tôi đi làm từ sáng đến tối. Về tới nhà là y như rằng khoảnh sân nồng nặc mùi khai thối không thể chịu đựng nổi. Nhiều hôm quần áo phơi ở đó cũng phải giặt lại vì dính chất bẩn”. Để bắt quả tang vị hàng xóm xấu tính, ông Khoản lắp đặt hệ thống camera an ninh. Ngày 10-6-2013 vào lúc 11h, camera này đã thu trọn vẹn hình ảnh một cánh tay từ cửa sổ phòng 203 thò ra đổ trộm cả một bình mắm tôm xuống sân hàng xóm. Thậm chí sáng ngày 10-7, phóng viên An ninh Thủ đô được cán bộ thanh tra xây dựng phường Vĩnh Tuy đưa xuống hiện trường để nắm tình hình, sau khi ra về được 15 phút, ông Khoản vội vã gọi chúng tôi quay trở lại để chứng kiến cảnh nước tiểu khai thối nồng nặc được chủ căn hộ 203 cố tình xả thẳng xuống nhà hàng xóm giữa thanh thiên bạch nhật.

Xử lý nửa vời?

Trong buổi tiếp xúc với phóng viên, bà Trương Thị Hường chủ căn hộ số 203 cho biết, phần ô văng đua ra phía sau lưng tòa nhà 47 khu tập thể Cảng Hà Nội là phần không gian của gia đình bà, do đó bà có quyền phá tường và đổ ô văng ra như vậy. Mục đích của việc này theo bà Hường là “để ra đó quét dọn cho sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường” (!?). Tuy nhiên bà Hường dường như lờ đi hoặc cố tình không hiểu rằng, việc làm đó của gia đình bà đã làm thay đổi toàn bộ kết cấu, hiện trạng vốn có của tòa nhà. Trước câu hỏi tại sao bà không lắp đường nước thải vào hệ thống đường ống cũ vốn có từ nhiều năm nay mà lại để dở dang mất vệ sinh cho hàng xóm như vậy? Bà Hường lý giải: Thông báo của UBND phường Vĩnh Tuy yêu cầu bà lắp đường nước thải đi “thẳng” xuống hệ thống nước thải chung phía dưới của cả khu tập thể. Nhưng chủ căn hộ 103 không đồng ý nên bà cứ để “lộ thiên” như vậy. Thậm chí nếu cần bà sẽ đục cho tung tóe hết… Theo cách hiểu của bà Hường, để lắp đường nước thải “đi thẳng” nghĩa là căn hộ 103 sẽ phải chấp nhận cho bà đục thủng trần của họ và lắp đường nước thải đi qua chính giữa phòng ngủ. 

Mặc dù những sai phạm về trật tự xây dựng của chủ căn hộ 203 nói trên đã rõ như ban ngày, bản thân UBND phường Vĩnh Tuy cũng đã khẳng định bằng văn bản ra ngày 9-4-2013 rằng: Việc cơi nới, xây dựng của nhà bà Trương Thị Hường là vi phạm pháp luật về xây dựng và yêu cầu chủ căn hộ 203 phải phá dỡ hết phần ô văng đua ra trong vòng 7 ngày, đồng thời lắp đặt lại hệ thống nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, mọi việc vẫn chưa được xử lý. Chính vì sự “lững lờ” trong việc lập lại trật tự xây dựng đô thị của UBND phường Vĩnh Tuy nên chủ căn hộ 203 càng ngày càng gia tăng những vi phạm của mình bằng việc cố tình “khủng bố” hàng xóm bằng chất bẩn. Việc đó dễ dẫn đến những hiểu lầm từ phía người tố cáo rằng, phải chăng có một “sự hậu thuẫn nào đó” nên chủ căn hộ 203 mới ngang ngược được như vậy…

Hiện nay mẫu thuẫn giữa hai hộ dân đã trở nên khá trầm trọng, nếu UBND phường Vĩnh Tuy không giải quyết dứt điểm mọi việc, rất có thể câu chuyện này sẽ trở nên phức tạp.

 
 
Theo Nguyễn Long (ANTĐ)
Số lượt đọc:2732  - Cập nhật lần cuối: 12/07/2013 08:30:08
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: