Tiêu điểm
Chi tiết
Gỡ vướng trong cấp chủ quyền nhà đất
Chỉ giải quyết quyền lợi chính đáng cho những hộ dân sống ổn định lâu dài, không giải quyết cho “đầu nậu”, “cò đất”

 Ngày 8-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín họp giao ban với các sở, ngành và 24 quận, huyện về tình hình lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị theo Nghị quyết 16 của HĐND TP.


Các hộ dân ở chung cư 346 Phan Văn Trị, phường11, Bình Thạnh chưa được cấp giấy chứng nhận

Có khởi sắc

Sở Tài nguyên và Môi trường TP báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2013 đã cấp được khoảng 40.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác (GCN); còn khoảng 40.000 trường hợp đang chờ. Bên cạnh đó, toàn TP còn khoảng 130.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN, chủ yếu rơi vào các nguyên nhân: Chuyển nhượng đất bằng giấy tay từ ngày 1-7-2004 đến 1-7-2006 (khoảng 21%), mua bán nhà bằng giấy tay sau ngày 1-7-2006 (khoảng 37%)…

Theo ông Tín, các trường hợp này có lỗi của cơ quan chức năng. "Đất người dân ở từ lúc mới giải phóng, sau đó bị "úp" lên quy hoạch công viên cây xanh. Chiếu theo quy định hiện nay thì đến muôn đời, họ cũng không được cấp giấy. Vì thế, TP đã kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ theo hướng cấp GCN kèm điều kiện phù hợp quy hoạch và không tranh chấp" - ông Tín cho biết.

Tuy vậy, ông Tín lưu ý chỉ giải quyết quyền lợi chính đáng cho những hộ dân sống ổn định lâu dài. Vì thế, 2 điều kiện đi kèm để xem xét trong trường hợp này là sống lâu năm và không tranh chấp, kiên quyết không giải quyết cho các "đầu nậu", "cò đất" buôn bán trái phép.

Ngoài ra, trường hợp nhà ở thương mại, chủ đầu tư có sai phạm hoặc chưa nộp tiền sử dụng đất mà người mua đã thực hiện đầy đủ thủ tục với chủ đầu tư thì một mặt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện trách nhiệm, một mặt cấp GCN cho người mua, không cần phải theo quy trình cấp GCN chung cho chủ đầu tư rồi mới cấp cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó trưởng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất, Cục Thuế TP HCM, cho biết khi TP điều chỉnh hệ số K xuống còn 1,1 - 2, cơ quan này đã lúng túng khi giải quyết những trường hợp người dân đã đóng một phần tiền sử dụng đất. Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, với những trường hợp này, phần tiền sử dụng đất còn lại, người dân được áp dụng theo hệ số K mới.

Vướng cũng nhiều

Vừa qua, UBND TP đã ban hành hướng dẫn công tác cấp phép xây dựng. Trong đó quy định rõ các trường hợp được cấp phép xây dựng tạm và nếu sau 5 năm quy hoạch mới được thực hiện thì người dân vẫn sẽ được bồi thường khi ảnh hưởng giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, toàn TP có 629 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 đã phê duyệt, trong đó 342 đồ án không điều chỉnh quy hoạch và phần lớn chưa công bố dù phê duyệt đã lâu. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phân vân trong trường hợp này, thời gian 5 năm để tính bồi thường thực hiện theo mốc nào. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã thống nhất lấy thời điểm công khai quy hoạch cho các đồ án chưa công khai là từ ngày 1-7-2013.

Ông Lê Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, đưa ra tình huống: Người dân có nhà diện tích 30 m2 trên đất nông nghiệp 300 m2, nếu cấp phép xây dựng tạm thì chỉ được 30 m2 hay 300 m2 ? Theo quan điểm của quận Thủ Đức nên cấp phép xây dựng tạm theo hạn mức đất ở cho phép. Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho rằng chỉ nên cấp GCN theo diện tích sử dụng, còn giấy phép xây dựng chỉ nên cấp theo hiện trạng, không nên "nở nồi" theo hạn mức sử dụng đất. Ông Tín cho biết vấn đề này TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ; dẫu vậy, ông ủng hộ hướng cho xây theo hạn mức đất ở.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết có 125 dự án chậm tiến độ đã bị "trảm" với diện tích hơn 800 ha. Hiện sở đang tiếp tục rà soát 26 dự án, đề xuất UBND TP phương án xử lý. Ngoài ra, có 99 trường hợp bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền 909 triệu đồng.

Theo Thu Sương (Người lao động)
Số lượt đọc:4011  - Cập nhật lần cuối: 09/07/2013 08:50:41
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: