Tiêu điểm
Chi tiết
“Tháo chạy” khỏi trung tâm thương mại vì thua lỗ
Tiểu thương đóng cửa gian hàng, sang nhượng mặt bằng ở các trung tâm thương mại do kinh doanh thua lỗ, khiến nhiều khu mua sắm, giải trí rơi vào cảnh chợ chiều.

 Khảo sát của chúng tôi, do mặt bằng trống tăng cao, nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội buộc phải đóng cửa để tái cơ cấu. Tiểu thương cũng tìm mọi cách thanh lý hợp đồng để cắt lỗ.

Chị Hoa, ngụ quận Ba Đình, Hà Nội kể lại, suất đầu tư thất bại hồi năm 2011. Thời điểm đó, chị từng thuê một gian hàng tại Trung tâm thương mại Grand Plaza (Trần Duy Hưng) để bán quần áo. Giá thuê hơn 2.000 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng kinh doanh, chị Hoa bị lỗ hơn 100 triệu đồng vì khách quá ít. Không thể cầm cự thêm, chủ gian hàng quyết định dừng kinh doanh.

"Việc bán hàng tại đây rất khó khăn vì khách thưa thớt. Trước khi đóng cửa, đơn vị quản lý trung tâm có khuyến mại mấy tháng thuê tôi cũng không dám đặt tiền tiếp vì lo lỗ thêm", chị Hoa nói.  

Do tỷ lệ lấp trống quá thấp nên 6 tháng trước, đơn vị quản lý trung tâm này đã tăng phí dịch vụ hơn một triệu đồng mỗi m2. Sau đó không lâu, trung tâm tuyên bố đóng cửa để tái cơ cấu. Đại diện Công ty cổ phần Quản lý Tài sản IDJ (IDJ A) - đơn vị quản lý Trung tâm thương mại Grand Plaza cho biết, đến nay lãnh đạo công ty vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc mở cửa trở lại.

Nhiều gian hàng đóng cửa tại Hàng Da Galleria. Ảnh: Anh Quân

Trung tâm thương mại hàng Da sau hơn 2 năm hoạt động, cũng công bố đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa. Hiện nay khu mua sắm này chỉ còn tầng một hoạt động kiểu "cầm cự". Từ tầng 2 trở lên, đơn vị quản lý đang tu sửa lại. Rất nhiều gian hàng đóng cửa hoặc còn trống, một số khác treo biển chuyển nhượng.

Chị Hương, chủ một gian hàng tạp hóa tại đây cho biết vừa quyết định ngừng kinh doanh. Mỗi tháng, chỉ tính tiền thuê mặt bằng, chị phải chi hơn 15 triệu đồng. Thêm vào đó là các chi phí dịch vụ, marketing, thuế trung gian khiến chủ gian hàng mỗi tháng trung bình phải chi trên 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mua bán trầm lắng và ế ẩm đến độ chị phải gồng mình chịu lỗ nặng sau 5 tháng kinh doanh. "Vừa rồi mình phải thanh lý hàng tồn với giá lỗ cho một đại lý khác", chị Hoa bộc bạch.

Tại một số trung tâm thương mại mới hoạt động như Mipec Tower (tên cũ là Pico Mall trên phố Tây Sơn, Đống Đa), Parkson tại Keangnam Landmark (Phạm Hùng, Từ Liêm)... tình hình cũng không khả quan hơn. Hoạt động khá lâu nhưng hiện gần như toàn bộ tầng 3 của Mipec Tower vẫn còn trống. Chủ một nhà hàng kem tại Mipec Tower cũng đang tìm người chuyển nhượng. Anh này cho biết, đặc thù mặt hàng kinh doanh này phụ thuộc vào sự sôi động tại trung tâm. Tuy nhiên, khách đến mua quá ít nên sau một thời gian kinh doanh, anh đã không trụ nổi.

Ở Parkson tại Keangnam Landmark, tuy không có tình trạng các gian hàng đóng cửa nhưng không khí mua sắm khá trầm lắng. Đa số các quầy bán hàng thời trang, mỹ phẩm chiếm tại đây trưng biển giảm giá 10-50% nhưng lượt khách chỉ đếm trên đầu ngón tay một ngày. Theo chủ nhiều gian hàng, họ vẫn duy trì được kinh doanh là do phí thuê mặt bằng được tính theo phần trăm doanh thu.

Dù các gian hàng tại Parkson Keangnam Hà Nội giảm giá mạnh nhưng vẫn vắng khách. Ảnh: Anh Quân

Nhận định của CBRE, rào cản đối với người mua hàng tại các trung tâm này là các khoản thuế trung gian bằng gần 50% giá trị của sản phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án như Grand Plaza và Hàng Da Galleria đóng cửa và tái cấu trúc trong thời gian qua.

Tuy nhiên đại diện IDJ A cho rằng, hiện phân khúc thị trường bán lẻ cao cấp đang gặp khó khăn chung chứ không riêng vì Grand Plaza. "Một số chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý cũng nhìn thấy phương án triển khai tốt nhưng vẫn có kết quả không mấy khả quan. Việc thực hiện dù có chuyên nghiệp hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường", vị này cho hay.

Tình trạng các điểm mua sắm, giải trí tại Sài Gòn, đặc biệt là ở rìa nội đô cũng ảm đạm không kém. Nhiều trung tâm thương mại khu Nam TP HCM có người bán đông hơn khách mua. Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, trung tâm thương mại Thiên Sơn Plaza, Saigon Paragon, Cress Mall và nhiều khu giải trí dịch vụ đều cùng chung cảnh ngộ vắng khách.

Chị Mai, nhân viên shop quần áo và phụ kiện thời trang tại Cress Mall cho hay, chị vào làm việc tại khu mua sắm này từ cuối năm 2012. Nửa năm qua, buôn bán rất khó khăn, các ngày trong tuần chỉ vài người mua sắm. "Cuối tuần lượng người nhỉnh hơn một chút nhưng không đủ sức vực dậy tình trạng ảm đạm", chị Mai cho hay.

Saigon Paragon cũng không thoát khỏi cảnh chợ chiều. Không nhiều khách mua sắm, cụm chiếu phim tại Paragon cũng bị ảnh hưởng. Vào giờ cao điểm xem phim buổi tối, các rạp đều thưa khách. Tương tự, Tajmasagon Cinema của Khải Silk cũng lác đác vài người xem phim trong giờ cao điểm dù trên các nhóm mua vé vào cổng đã kèm suất ăn nhẹ giảm hơn 60%.

Chủ tịch một Tập đoàn bán lẻ tại TP HCM và Hà Nội lý giải, công suất hoạt động của các trung tâm thương mại, giải trí giảm vì nguồn cung quá nhiều hoặc vị trí không phù hợp dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Vị này phân tích, sự tháo chạy của các tiểu thương không loại trừ họ là những tay ngang kinh doanh kiểu nghiệp dư. Với nhóm người này, lúc đầu ồ ạt khai trương nhưng 6 tháng sau xin giảm tiền thuê, 12 tháng sau trả lại mặt bằng, thậm chí đóng cửa là hết sức bình thường. "Làm trong ngành bán lẻ, đôi khi phải chấp nhận lỗ 1-2 năm để nắm được cơ hội lâu dài", ông nói

Theo chuyên gia này, ở Việt Nam có nhiều trung tâm thương mại chạy theo phong trào mà thiếu sự định vị. Còn phải tùy thuộc vào từng mặt hàng để chọn vị trí kinh doanh. Chẳng hạn như buôn hàng hiệu trong một thành phố, chỉ có thể chọn một vị trí đắc địa nhất để mở cửa hàng. "Trên thực tế có mở nhiều cũng không biết bán cho ai, trừ khi sức mua tăng cao và duy trì trong thời gian dài", ông khuyến cáo.

Theo Hà Thanh - Ngọc Tuyên (VnExpress)
Số lượt đọc:3996  - Cập nhật lần cuối: 21/06/2013 10:25:46
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: