Tiêu điểm
Chi tiết
Biến dạng nhà tái định cư: Bỏ mặc hay lợi ích nhóm?
Trong khi dân ở những tòa nhà tái định cư (TĐC) chịu cảnh nhếch nhác, chủ đầu tư viện cớ nếu không cho thuê diện tích tầng 1 sẽ tăng phí dịch vụ. Cơ quan chức năng cho biết sẽ vào cuộc kiểm tra việc cho thuê này.

 

Tầng 1 khu TĐC Nam Trung Yên với đủ thứ văn phòng, quán cà phê.

Không ai quản lý

Bộ Xây dựng ra Quyết định 08 (2008) về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư.

Theo đó, mỗi tòa nhà phải có một ban quản trị để bảo vệ quyền lợi của cư dân trong tòa nhà. Cuối năm 2009, Sở Xây dựng Hà Nội trình UBND thành phố phê duyệt đề án thí điểm mô hình quản lý, vận hành khai thác nhà TĐC tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Theo đề án này, 19 tòa nhà TĐC ở đây sẽ được chia làm 4 khu vực để thuận lợi cho việc quản lý. Ban quản trị sẽ chịu trách nhiệm quản lý các tòa nhà. Vậy Ban Quản trị khu TĐC Trung Hòa – Nhân Chính đã làm được những gì?

Bà Bích Nga, sống tại tòa N6B Trung Hòa - Nhân Chính nói: “Bao năm nay, sự nhếch nhác từ nhà hàng, quán ăn tại tòa nhà vẫn ngang nhiên tồn tại. Ban Quản trị tòa nhà hoạt động không hiệu quả”. Ông Nguyễn Văn Hưu, Tổ trưởng 92 tòa N08 khu TĐC Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi được công ty quản lý tòa nhà gọi họp để bầu ban quản trị, nhưng 5 năm nay vẫn chưa làm được. Không có ban quản trị khiến mọi bức xúc của dân chẳng ai đứng ra giải quyết”.

Ông Hưu nhiều lần kiến nghị đơn vị quản lý tòa TĐC là Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội về chỗ để xe ở tầng 1 (các tòa TĐC khu Dịch Vọng) bị lấn chiếm, dễ xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, những kiến nghị này mới chỉ được tiếp nhận mà chưa có hướng xử lý. Ông Lê Quốc Bảo- Bí thư cụm 14 tòa N11A Dịch Vọng cho biết: “Ban quản trị phải có người của chủ đầu tư thì tiếng nói của cư dân mới thấu được. Sau nhiều lần họp với chủ đầu tư, hiện vẫn chưa thống nhất được các thành phần trong ban quản trị”.

Nhập nhèm đơn giá cho thuê

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Tổng GĐ Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, tầng 1 khu TĐC chủ yếu cho thuê phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân như: Siêu thị, nhà hàng... “Nhiều khu TĐC cư dân kêu không có phòng sinh hoạt như khu Trung Hòa- Nhân Chính, nhưng tôi nghĩ phòng sinh hoạt chẳng để làm gì. Chúng tôi cho thuê lại để bù chi phí vận hành tòa nhà”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, mức phí dịch vụ công ty thu của người dân 30.000 đồng/tháng, gửi xe 60.000 đồng/tháng. “Nếu chúng tôi trả lại phần diện tích sinh hoạt cộng đồng cho cư dân thì phải tăng phí dịch vụ lên. Người dân phải hiểu, càng giảm chi phí xuống bao nhiêu càng tốt. Muốn giảm chi phí phải tăng thu từ cho thuê dịch vụ”, ông Minh nhấn mạnh.

Về mức giá cho thuê, ông Minh cho rằng, Cty làm đúng nguyên tắc mời đơn vị tư vấn thẩm định giá theo thị trường, sau đó gửi lên Sở Tài Chính. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá cho thuê tại khu TĐC Đại Kim dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng cho diện tích mặt bằng làm quán ăn, bia hơi; 50 - 70 triệu cho thuê làm siêu thị.

Khu TĐC Nam Trung Yên giá từ: 100 - 120 triệu đồng/tháng cho thuê làm siêu thị, khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính từ 100 - 150 triệu đồng/tháng làm nhà hàng...

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Xuân Vinh-Chi cục trưởng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay Sở Tài chính quản lý theo đơn giá của thành phố (từ 80.000 - 150.000 đồng/m2/tháng) tại tầng 1 khu nhà TĐC.

Tiền thu từ cho thuê tầng 1 được đơn vị quản lý nộp cho Sở để làm nguồn chi bảo dưỡng, duy tu, nhà TĐC. “Cuối tháng 6, Sở Tài chính sẽ trình UBND TP Hà Nội mức giá mới và theo cơ chế đấu thầu để tránh tình trạng bất cập như hiện nay tại các khu TĐC. Nếu đơn vị quản lý nhà thu sai sẽ có liên ngành vào cuộc xử lý”, ông Vinh nói

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
Số lượt đọc:3677  - Cập nhật lần cuối: 19/06/2013 08:31:38
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: