Siêu thị và hàng rong khiến nhiều khu tái định cư nhếch nhác (ảnh chụp tại khu Trung Hòa – Nhân Chính).
Nhiều diện tích sinh hoạt cộng đồng tại các toà nhà tái định cư ở Hà Nội đang bị chiếm dụng để cho thuê. Những toà nhà này vốn đã xuống cấp, nay lại thêm phần nhếch nhác.
Quán ăn “bủa vây”
Ngay từ ngã ba đường Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) rẽ vào khu tái định cư (TĐC) Trung Hòa - Nhân Chính dễ nhìn thấy các quán cà phê, quán bia... bao quanh dưới chân các tòa nhà. Hàng chục nhà hàng lớn nhỏ “bám” khu nhà N6D, như quán bia hơi Hà Nội chiếm diện tích mặt đường gần 15m, chưa kể loạt quán phở bò, bún, lẩu, nhà hàng Lion War... Tương tự, khu nhà N5A, N6E đầy rẫy các quán cà phê.
Chị Bích Hồng, sống tại nhà N6D nói: “Tôi dọn về tòa này sống 5 năm đã thấy có quán bia và các quán ăn tại tầng 1. Hằng ngày, chúng tôi phải sống chung với sự ồn ào từ quán bia, nhếch nhác từ quán bún, phở, lẩu...”.
Khi trao đổi với PV Tiền Phong, hầu hết cư dân sống tại khu TĐC Trung Hòa – Nhân Chính đều cho biết là không có chỗ sinh hoạt chung như: Phòng họp, phòng đọc sách, giải trí... “Đến chỗ để xe tại tầng 1 khu nhà còn chật chội thì lấy đâu ra nơi sinh hoạt cộng đồng. Diện tích được chủ đầu tư cho thuê làm nhà hàng, quán ăn chiếm gần hết tầng 1”, bác Điền sống tại nhà N6E nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, cư dân khu TĐC Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hằng ngày sống chung với sự tồn tại của các nhà hàng, quán ăn tại tầng 1. Chị Thu Nga sống tại tầng 5, tòa B15 chia sẻ: “Từ ngày mở nhà hàng Tâm dê núi, họ giết mổ khiến mùi hôi thối bốc lên trên các tầng không ngửi được. Ở dưới nấu gì, các tầng trên hưởng hết. 23, 24 giờ, khách vẫn cụng ly, hò hết ầm ĩ”.
Gần đây, có xu hướng nhiều công ty, trường học đến thuê địa điểm tại tầng 1 các tòa TĐC trong thành phố làm trụ sở. Những tưởng ở gần công ty, trường học thì được hưởng nhiều văn minh, nhưng ai ngờ chỉ thấy nhiều sự lộn xộn. Tòa nhà 9 tầng lô 9B (TĐC Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cho Trường Trung cấp Công thương Hà Nội thuê để đào tạo sinh viên. Một loạt nơi khác, như: Tòa N6C (TĐC Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội; Khu TĐC Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), nhà N02, nhà N03, nhà N06, nhà N13... cũng xẩy ra như thế.
Giám sát ở khu TĐC là MỘT thất bại ?
Trước đó, cuối năm 2012, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tạm dừng xem xét, giải quyết cho các đơn vị thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại nhà chung cư TĐC và nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Nhưng dường như, phần diện tích kinh doanh dịch vụ của một số khu TĐC ngày càng phình to thêm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho biết, khu TĐC là thất bại lớn trong quy hoạch phát triển nhà của thành phố.
Nhiều khu TĐC đưa vào sử dụng chưa đến 10 năm xuống cấp nghiêm trọng. Dân sống trong khu TĐC đã không được hưởng hạ tầng tử tế, lại bị sự xâm lấn của các nhà hàng, quán ăn. Theo ông Liêm, đây chính là sự yếu kém trong quá trình quản lý các khu chung cư, đặc biệt là khu TĐC.
“Việc cho thuê lại tầng 1 khu TĐC hiện nay không rõ ràng. Quy định của thành phố yêu cầu đơn vị quản lý tổ chức đấu thầu giá thuê theo giá thị trường, nhưng đa số tầng làm dịch vụ của tòa TĐC bị chủ đầu tư cho thuê một cách tùy tiện và thiếu công khai. Chúng ta đang thiếu bộ máy giám sát để bảo vệ quyền lợi của người dân”, ông Liêm nói.
Còn nữa
“Các tòa chung cư tái định cư của thành phố đã đưa vào sử dụng phải xem xét rõ nơi nào được phê duyệt có diện tích làm phòng sinh hoạt cộng đồng, diện tích nào cho thuê dịch vụ. Nếu chủ đầu tư làm sai, chúng tôi sẽ thanh tra yêu cầu trả lại. Tới đây, sẽ thanh tra xem giá cho thuê dịch vụ có theo giá thị trường hay không để tránh thất thu cho Nhà nước”
Phó Chánh Thanh tra
Bộ Xây dựng Dương Thành Phố
|