Tiêu điểm
Chi tiết
Cân đối hàng hóa trên thị trường bất động sản
Theo kết quả rà soát do Bộ Xây dựng công bố, hiện nay và đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng trên 1,7 triệu người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân đầu người dưới 5 m2) và 1,71 triệu công nhân có nhu cầu có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, để giải bài toán cung - cầu nhà ở cần có sự nhập cuộc quyết liệt của cả hệ thống từ chính quyền địa phương đến cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp và các ngân hàng để cân đối lại quy mô hàng hóa trên thị trường bất động sản.

 Dân đô thị vẫn khó khăn về nhà ở

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Tương tự như vậy, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn. Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… Riêng tổng hợp của 25 bộ, ngành có nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực Hà Nội đã vào khoảng 30.000 căn.

Khu chung cư Mễ Trì - Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú

Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2012 - 2015. Điển hình như thành phố Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 4,7 triệu m2 sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 2,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương với khoảng 67.000 căn hộ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Một số chương trình phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai. Cụ thể như: Dự án nhà ở an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC Corp), với số căn hộ lên tới 64.000 căn, đã hoàn thành 4.700 căn; dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV phát triển đô thị và công nghiệp (IDICO) - Bộ Xây dựng dự kiến đầu tư 20.000 căn nhà ở xã hội, trước mắt đầu tư gần 3.600 căn hộ.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương trọng điểm rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới để xác định các quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời ký kết với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chương trình phối hợp hành động triển khai chiến lược phát triển nhà ở. Các địa phương cũng đang xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương mình phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, 9 địa phương đã phê duyệt chương trình phát triển nhà, các địa phương khác đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2013, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt xong chương trình phát triển nhà ở của địa phương.

Cân đối lại quy mô

Muốn đạt các mục tiêu về nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết phải triển khai rất quyết liệt và có sự nhập cuộc đồng bộ của cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm mục đích cân đối lại quy mô hàng hóa trên thị trường bất động sản cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Bởi vậy, trong thời gian từ cuối tháng 5 đến tháng 6/2013 sẽ có 6 dự án nhà ở xã hội được khởi công trên toàn quốc. Trong đó, địa bàn Hà Nội có 3 dự án gồm: Khu nhà ở xã hội Tây Nam Hồ Linh Đàm do Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) và Công ty CP BIC Việt Nam đầu tư; khu đô thị Quốc Oai do Công ty CP Đầu tư CEO đầu tư và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm do Tổng công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) đầu tư. Cùng đó là dự án Hoàng Quân Plaza, Khu Nam Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Hoàng Quân đầu tư; khu nhà ở xã hội, thành phố Quy Nhơn, Bình Định do Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) đầu tư; Dự án khu nhà ở xã hội tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 7/1/2013 Hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội thành lập tổ công tác triển khai Nghị quyết 02 để trực tiếp giải quyết các thủ tục, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai nhanh việc điều chỉnh cơ cấu và chuyển đổi mục đích các dự án. Tính đến nay đã có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ, chủ yếu tại các đô thị lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thành phố Hà Nội dẫn đầu với 6 dự án nhà ở thương mại đề nghị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô gần 3.500 căn hộ và 19 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô hơn 10.000 căn hộ. Đến nay thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án khác vẫn đang được tổ công tác thẩm tra. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 2 nhà ở thương mại đề nghị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô hơn 100 căn hộ, 20 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô gần 10.000 căn hộ. Tỉnh Đồng Nai cũng có 2 dự án nhà ở thương mại xin được chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô trên 1.000 căn hộ.

Cũng theo ông Hà, để tạo điều kiện cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp và ổn định theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, ngày 15/5/2013 Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành 2 Thông tư (Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước) quy định về đối tượng, điều kiện và giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ tái cấp vốn cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.

Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không chỉ có ý nghĩa thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu về nhà ở thiết thực cho người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách, mà còn góp phần điều chỉnh lệch pha cung - cầu của thị trường bất động sản đang dư thừa nhà ở cao cấp với diện tích lớn hiện nay.

Như vậy, chủ trương của Chính phủ cho phép các chủ đầu tư thực hiện chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội phù hợp với mong muốn của các chủ đầu tư, phù hợp tình hình thị trường bất động sản và nhu cầu thiết thực về nhà ở của người dân.

Theo Thu Hằng (Báo Tin tức)
Số lượt đọc:4039  - Cập nhật lần cuối: 07/06/2013 08:52:53
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: