Tiêu điểm
Chi tiết
Các “ông lớn” châu Á đang “đổ bộ” vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Các "ông lớn" trong ngành bán lẻ châu Á tích cực “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam do nhu cầu tiêu dùng ở quốc gia này đang tăng lên nhanh chóng.

 Nikkei Asia Review đưa tin, mức chi tiêu của người dân ở các nước sông Mekong đang ngày một tăng cao. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ châu Á đang tích cực “nhòm ngó” thị trường đầy tiềm năng này.

 
Theo số liệu của công ty nghiên cứu Euromonitor International (Anh), các quốc gia sông Mekong, trong đó có Việt Nam, đang trải qua giai đoạn đạt tốc độ tăng trưởng và thu nhập tăng cao. 
 
Tổng cộng doanh số bán lẻ của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong vòng 4 năm qua, từ mức 56,7 tỷ USD năm 2010 lên mức 100,3 tỷ USD vào năm 2014. Euromonitor International cũng dự đoán con số này sẽ tăng lên mức 176,4 tỷ USD vào năm 2019.
 
Các “ông lớn” châu Á đang “đổ bộ” vào thị trường bán lẻ Việt Nam
 
Mô hình trung tâm mua sắm của Aeon Mall tại Long Biên, Hà Nội.
 
Nikkei Asia Review dẫn lời ông Yukio Konishi –Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng cho các nhà bán lẻ. Ông cho biết sẽ mở thêm 10 cửa hàng tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 
Aeon mới khai trương trung tâm mua sắm tại quận Long Biên, Hà Nội. Đây là trung tâm mua sắm thứ 3 trong cả nước và là trung tâm đầu tiên tại thủ đô của nhà bán lẻ Nhật Bản này.
 
Aeon Long Biên sẽ trở thành một trong những tổ hợp thương mại lớn nhất tại Hà Nội với diện tích rộng 96.000 m2. Tổ hợp này bao gồm một khu vui chơi, rạp chiếu phim có 10 phòng chiếu và một trung tâm thể hình.
 
Trung tâm thương mại đầu tiên của Aeon tại Việt Nam được mở vào tháng 1/2014 ở TP Hồ Chí Minh hiện thu hút được 13 triệu lượt khách mỗi năm. Đây là con số không quá ngạc nhiên khi mà Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ trong tiêu dùng. Doanh số của những cửa hàng lớn trong nước đã tăng 10,1% trong 8 tháng đầu năm 2015, từ mức 7,8% cùng kỳ năm ngoái.
 
Các “ông lớn” châu Á đang “đổ bộ” vào thị trường bán lẻ Việt Nam
 
Biểu đồ cho thấy các nhà bán lẻ Nhật, Hàn, Thái đang mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam.
 
Nikkei nhận định, lương tăng là một trong những động lực chính thúc đẩy chi tiêu ở Việt Nam. Cụ thể, trong bối cảnh những mặt hàng xuất khẩu như điện tử, sản phẩm may mặc… tiếp tục tăng, mức lương trung bình tại Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ tăng 15% trong năm nay và 12% trong năm tới.
 
Một lý do khác khiến các “ông lớn” trong ngành bán lẻ châu Á đang “đổ bộ” vào Việt Nam là những thuận lợi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Theo đó, một số dòng thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ được cắt giảm, và điều này giúp thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa, mở rộng giao thương xuyên biên giới.
 
E-mart – một chuỗi siêu thị lớn của Hàn Quốc đang lên kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 12 tới với tổng vốn đầu tư lên đến 60 triệu USD tại TP HCM.
Theo Trần Ngọc (VOV)
Số lượt đọc:1094  - Cập nhật lần cuối: 17/09/2015 08:57:30
Các bài tin tiếp theo  
Lượt truy cập: