Tiêu điểm
Chi tiết
Nhìn lại “sức khỏe” của 4 ngân hàng sau một năm tự cơ cấu
Ngày 1/3/2012, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg. Quyết định này tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một lộ trình đến năm 2015.

Ngày 1/3/2012, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg. Quyết định này tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một lộ trình đến năm 2015.

Và từ cuối năm 2011 và trong năm 2012 thị trường đã chứng kiến một số sự kiện sáp nhập, mua lại trong ngành ngân hàng (NHTM Sài Gòn, SHB). 4 ngân hàng còn lại bao gồm: NaviBank, TrustBank, TienphongBank và GP Bank thực hiện phương án tự tái cơ cấu. Bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm 2013 đang được tổ chức tại Tp Nha Trang, tiến sĩ Tô Ánh Dương Viện Kinh tế Việt Nam đã điểm lại sức khỏe của các ngân hàng này với chúng tôi.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt - Navibank: Hiện phương án tự tái cơ cấu của Navibank đã được chuyển lên NHNN để xem xét, bổ sung trình Chính phủ.

Theo kết luận thanh tra vào tháng 2/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã yêu cầu Navibank trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng…

Điều đó dẫn đến vốn chủ sở hữu của Navibank còn lại là 2.513 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng.

Hiện tại, thực hiện kết luận của Cơ quan thanh tra giám sát, Navibank đã triển khai các biện pháp nhằm giảm một số khoản nợ xấu theo kết luận thanh tra, phối hợp với khách hàng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo, mời đơn vị định giá độc lập để định giá lại các tài sản đảm bảo làm căn cứ và trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.

Kết quả, sau khi hoàn tất các nội dung trên, số dự phòng rủi ro phải trích bổ sung của Navibank đã giảm so với số dự phòng rủi ro theo kết luận của Cơ quan giám sát, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tại thời điểm 30/9/2012 là 3.027 tỷ đồng, cao hơn 27 tỷ đồng theo vốn pháp định.

Ngân hàng Đại Tín -TrustBank: Vào trung tuần tháng 9/2012, NHNN đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Trust Bank triển khai phương án tái cơ cấu.

Theo tiến trình này, TrustBank tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách.

Hiện ngân hàng này đang gọi vốn từ cổ đông chiến lược trong nước với tỷ lệ cổ phần chi phối tương đối lớn, nhằm xử lý thanh khoản và cải thiện công tác quản trị rủi ro khi có sự tham gia của nhân tố mới (TrustBank cho biết sẽ bán gần 85% cổ phần cho nhóm cổ đông mới. Nhóm này gồm Tập đoàn Thiên Thanh mua 9,67% và 20 nhà đầu tư mua số cổ phần còn lại).

TienPhongBank: Đề án tái cơ cấu hoạt động của TienPhong Bank được khởi động từ sau đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2012.

Đến nay, ngân hàng này đã cơ bản hoàn tất việc cải tổ cơ cấu tổ chức. Các chỉ số hoạt động 6 tháng cuối năm 2012 của TienphongBank được cải thiện, huy động vốn tăng 28% so với đầu năm, nợ xấu ở mức dưới 5%.

Dư nợ của TienPhong Bank trong những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán chỉ khoảng 4% tổng dư nợ, tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đạt trên 15% - khá cao so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả ngành ngân hàng.

Cuối năm 2012, TienphongBank đã tăng vốn lên 5.550 tỷ đồng sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận ngày 25/12 và Ngân hàng Nhà nước thông qua.

Đồng thời, mới đây TienphongBank đã bán 20% cổ phần cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân, để tăng vốn.

Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) hợp nhất với PVFC: Western Bank, tiền thân là một ngân hàng từ nông thôn với vốn điều lệ ban đầu chỉ 320 tỷ đồng, đến 2011 thì lên đến 3.000 tỷ đồng.

Do lớn quá nhanh nên cũng như nhiều ngân hàng khác, việc quản trị và kiểm soát rủi ro trở thành một vấn đề lớn đối với Western Bank.

Bên cạnh đó, một tỷ lệ rất lớn tín dụng của nhà băng lại dành cho các doanh nghiệp sân sau, cổ đông nội bộ dẫn đến nhiều rủi ro cho Ngân hàng.

Nằm trong tiến trình tái cơ cấu bắt buộc, Western Bank đã gây chú ý nhiều cho thị trường tài chính gần đây về việc sáp nhập với Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC).

Ngày 16/3/2013, tại Cần Thơ, NHTMCP Phương Tây (Western Bank) Đại hội cổ đông năm 2013 đã thông qua kế hoạch hợp nhất với PVFC. Western Bank đã trình NHNN Đề án hợp nhất với PVFC.

Như vậy, Western Bank vừa có tiền để giải quyết các món nợ, làm trong sạch tình hình tài chính của mình. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu hiện tại của PVN tại PVFC là 78% có thể sẽ giảm xuống còn 48% sau hợp nhất.

Điều này sẽ giúp PVN từng bước thực hiện lộ trình thoái vốn tại các công ty con theo quy định. Ngân hàng sau hợp nhất dự kiến có tổng tài sản 105.641,59 tỷ đồng, với số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng sẽ được duy trì trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và được tiếp tục tăng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015.

GP Bank: Được thành lập cách đây 7 năm, GP Bank chính thức tăng vốn và đạt mục tiêu 3.000 tỷ đồng năm 2010. Thông tin về GP Bank rất hiếm hoi trên thị trường.

Theo báo cáo thường niên năm 2010, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2010 của GP Bank chỉ là 1,83%. Theo Ngân hàng Nhà nước, phương án cơ cấu lại GP Bank đang được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Khánh Linh (lược ghi)

Theo TTVN
Số lượt đọc:6940  - Cập nhật lần cuối: 23/04/2013 03:40:57
Lượt truy cập: